Một tổ chức vận hành trơn tru, phát triển rực rỡ luôn là mục tiêu của bất cứ nhà lãnh đạo nào trong quá trình chèo lái doanh nghiệp. Dù vậy, con đường nào chẳng lắm chông gai, việc hoàn thành mục tiêu này trong thực tế vô cùng gian nan, đòi hỏi những người tiên phong phải xác định được đúng hướng đi ngay từ đầu mới có thể thành công.
Rất nhiều người đã thử, vấp ngã nhiều, đứng dậy mới ngộ ra: Thứ các doanh nghiệp và nhà quản lý cần để vận hành, phát triển bền vững, chính là những quy trình làm việc thật sự chính xác và hiệu quả trong nội bộ tổ chức.
Vậy quy trình là gì và làm thế nào để xây dựng và quản lý quy trình?
1.1. Định nghĩa quy trình
Quy trình là một chuỗi các hoạt động liên kết với nhau, được thực hiện theo một trình tự nhất định để đạt được một mục tiêu cụ thể. Nói cách khác, quy trình là một bản hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện một công việc, từ đầu đến cuối.
Dựa vào chức năng, các quy trình trong doanh nghiệp có thể được chia thành 4 nhóm:
- Quy trình quản lý vận hành;
- Quy trình quản lý khách hàng;
- Quy trình đổi mới;
- Quy trình xã hội/ điều tiết cơ quan quản lý nhà nước.
Lưu ý rằng quy trình và quá trình là 2 khái niệm khác nhau.
Trong khi quy trình hướng tới sự cụ thể và tiêu chuẩn hóa từng bước và mục tiêu đạt được, thì quá trình là tập hợp các hoạt động mang tính chất khái quát, linh hoạt.
Một quá trình có thể bao gồm nhiều quy trình khác nhau. Ví dụ, quá trình tuyển dụng một nhân viên chính thức trong doanh nghiệp cần trải qua nhiều quy trình nghiệp vụ: quy trình tuyển dụng, quy trình onboarding, quy trình đánh giá thử việc, quy trình ký kết hợp đồng lao động.
Xây dựng quy trình trong doanh nghiệp là công việc tương đối mất thời gian, đòi hỏi nhiều kiến thức cũng như kỹ năng. Tuy nhiên, đây là yêu cầu gần như bắt buộc phải có nếu doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, muốn đi vững, bước xa.
#1 – Xác định nhu cầu, phạm vi và mục đích của công việc
Bước đầu tiên trong việc xây dựng một quy trình tiêu chuẩn, nhà quản lý cần phải xác định được nhu cầu, phạm vi áp dụng của chúng (trên những cá nhân, phòng ban nào?) và mục đích cuối cùng mà họ muốn hướng đến khi đề ra quy trình. Chỉ khi phân tích và chỉ ra được đầy đủ những yếu tố này, quy trình mới có thể được đưa vào vận hành trơn tru, kết nối hiệu quả tới đội ngũ nhân viên và đưa đến những kết quả nhất định.
#2 – “Chuẩn hóa” quy trình thành các bản mô tả
Để dễ dàng triển khai trong thực tế, nhà quản lý cần mô hình hóa các yếu tố thiết yếu trong quy trình thành các bản mô tả. Các bản mô tả này có thể được lưu trữ và truyền đạt lại tới đội ngũ nhân viên, đóng vai trò làm khung tham chiếu để họ có thể ứng dụng và điều chỉnh công việc thực tế sao cho đạt được những kết quả tốt nhất.
#3 – Phân loại đối tượng tham gia vào quy trình
Để quy trình diễn ra được chặt chẽ, nguồn lực con người – các đối tượng tham gia trực tiếp tiến hành phải được phân chia vai trò phù hợp và hiệu quả. Trong đó, các đối tượng tham gia vào quy trình sẽ được chia thành 3 nhóm cụ thể:
- Người thực hiện: Là những cá nhân thực tiếp đảm nhận việc hoàn thành các bước/ đầu công việc trong quy trình
- Người giám sát: Là người chịu trách nhiệm về kết quả thực thi các đầu công việc của người thực hiện. Các cá nhân này có vai trò đóng góp ý kiến và phản hồi để người thực hiện có định hướng xử lý quy trình hiệu quả hơn.
- Người hỗ trợ: Là các cá nhân không trực tiếp thực hiện quy trình, nhưng gián tiếp hỗ trợ người thực hiện hoàn thành nó qua những góp ý, truyền tải kiến thức/ kinh nghiệm thực tiến mang tính chuyên môn.
4 – Kiểm soát – Kiểm tra quy trình
Không có bất cứ quy trình nào có thể vận hành hiệu quả, trơn tru nếu chỉ dựa trên những mô hình lý thuyết cả. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng quy trình, nhà quản lý cần phải đồng thời xác định các phương pháp kiểm soát, kiểm tra liên tục, nhằm đánh giá mức độ tối ưu và đưa những cải thiện phù hợp cho bộ máy vận hành.
Xác định phương pháp kiểm soát: Việc kiểm soát quy trình có thể được thực hiện thông qua hành động xác định các yếu tố sau: Đơn vị đo lường công việc, Đo lường bằng công cụ, dụng cụ nào? Có bao nhiêu điểm kiểm soát và điểm kiểm soát trọng yếu
#5 – Hoàn thiện tài liệu
Một quy trình sẽ không thể hoàn thiện được nếu thiếu đi những tài liệu hướng dẫn tuân thủ và sử dụng. Vì vậy, bạn cần phải dự trù được và cung cấp thêm những thông tin, biểu mẫu, hướng dẫn vào một văn bản quy chuẩn để hỗ trợ nhân viên tiếp thu quy trình tốt hơn.